Mã số định danh cá nhân
Khi nhắc đến những giấy tờ tùy thân, chúng ta thường chỉ nghe đến Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân nhưng ít ai biết đến số định danh cá nhân. Thực tế, mã số định danh cá nhân đóng vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân và trong việc quản lí dân cư của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, mã số định danh cá nhân là gì, có ý nghĩa gì,… thì nhiều người dân vẫn còn chưa biết rõ.
Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung trên.
Mã số định danh cá nhân là gì, lấy từ đâu?
Số định danh cá nhân[1] được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân, do Bộ Công an quản lý. Mỗi công dân có một số định danh cá nhân riêng, không trùng với bất kỳ ai.
Số định danh cá nhân được lấy từ 2 hình thức:
– Qua việc đăng ký khai sinh cho trẻ:[2] Số định danh cá nhân có khi công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, nhận được số định danh cá nhân do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp.
– Số định danh cá nhân cũng là số thẻ Căn cước công dân cấp khi người dân đủ 14 tuổi.[3]
Như vậy, số định danh cá nhân này gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi cá nhân chết.
Cấu trúc mã số định danh cá nhân[4]
– Là dãy gồm 12 số: 3 số đầu là mã tỉnh hoặc mã quốc gia nơi đăng ký khai sinh; 3 số tiếp theo mã thế kỷ sinh, mã giới tính, và mã năm sinh và 6 số còn lại số ngẫu nhiên.
Mã số định danh cá nhân được bảo mật hoàn toàn vì nó chứa các thông tin cá nhân của công dân như là ngày sinh, quê quán, nơi cư trú,…
Vậy mã số định danh cá nhân dùng để làm gì?
Vì gắn liền với công dân từ khi sinh ra cho đến khi mất đi nên mã số định danh cá nhân có vai trò quan trọng trong giao dịch dân sự, thủ tục hành chính,…
– Thay cho mã số thuế:[5] Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ công dân thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế. Vậy mã số định danh cá nhân sẽ được dùng khi khai thuế, nộp thuế,… thay cho mã số thuế. Điều này sẽ giúp người dân không cần phải tốn thời gian đi đăng ký mã số thuế.
– Thay thế các giấy tờ tùy thân liên quan [6] (bản sao Giấy CMND, thẻ CCCD, Hộ chiếu, các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản nếu đã có số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.
– Thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong việc quản lý cư trú[7] khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối thì chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân.
Có thể thấy, việc sử dụng số định danh cá nhân sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, người dân không phải làm quá nhiều các giấy tờ, qua đó cũng giảm được các chi phí, rút ngắn thời gian xử lí khi làm các thủ tục hành chính này. Điều này cũng giúp từng bước quản lí hành chính theo hướng công nghệ số, đảm bảo các thông tin của công dân sẽ được lưu trữ, đồng bộ và thống nhất.
Thủ tục cấp mã số định danh cá nhân
Như đã đề cập, mã số định danh cá nhân được cấp khi đăng ký khai sinh và khi làm thẻ căn cước công dân.
Đối với công dân đăng ký khai sinh:[8]
– Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu và giấy chứng sinh gồm đầy đủ các thông tin quy định[9] cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
+ Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh;
+ Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
+ Nếu khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;
+ Nếu khai sinh cho trẻ sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ.
– Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ trên, Cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ chuyển các thông tin của công dân được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm tra thông tin. Sau đó cơ quan này sẽ cấp và chuyển số định danh cá nhân về lại cho cơ quan đăng ký hộ tịch.[10]
Đối với người đủ 14 tuổi đi làm thẻ CCCD: Đây là trường hợp cấp mã số định danh đối với người đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú.[11]
– Người đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Nếu thông tin chưa đầy đủ thì bổ sung thông tin cho Công an xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú.
– Nếu đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính, năm sinh xác lập lại số định danh cá nhân cho người đó sau khi đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch liên quan đến thông tin về giới tính, năm sinh.
Nơi cấp CCCD sẽ sử dụng số định danh cá nhân được cấp để cấp thẻ CCCD.
Bạn đọc tham khảo thêm bài viết Thủ tục cấp mới thẻ CCCD.
Mã số định danh cá nhân vẫn có thể bị hủy và được cấp lại khi sai sót do nhập sai thông tin về công dân. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân sẽ không bị ảnh hưởng nếu có sai sót này.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Mã số định danh cá nhân”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Khánh Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014
[2] Điều 16 Luật Hộ tịch 2014
[3] Điều 19.2 Luật Căn cước công dân 2014
[4] Điều 7 và Phụ lục Thông tư 07/2016/TT-BCA
[5] Điều 35.7 Luật Quản lý thuế 2019
[6] Điều 4.2 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP
[7] Điều 37 Luật cư trú 2020 có hiệu lực từ 01/07/2021
[8] Điều 16 Luật Hộ tịch 2014
[9] Điều 37.1 Luật cư trú 2020 có hiệu lực từ 01/07/2021
[10] Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP
[11] Điều 1.9 Nghị định 37/2021/ NĐ-CP