Kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Trước đây, các cơ quan nhà nước được tự mình chủ trì thực hiện việc tuyển dụng công chức phù hợp với nhu cầu thông qua hai vòng thi bao gồm vòng 1 kiến thức chung, vòng 2 kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, để đảm bảo sự minh bạch, bình đẳng và chất lượng chung của các công chức, từ nay Bộ Nội vụ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra chất lượng đầu vào của công chức trước khi thi tuyển vào các cơ quan nhà nước. Thông qua bài viết dưới đây cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhé.
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức được bắt đầu thực hiện khi nào?
Việc kiểm tra chất lượng đầu vào công chức do Bộ Nội vụ tổ chức là hoạt động nhằm đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức thông qua hình thức thi tuyển[1].
+ Kiểm định chất lượng đầu công chức vào sẽ được áp dụng từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.
+ Từ ngày 10/4/2023 đến hết ngày 31/7/2024 việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức vẫn sẽ được các cơ quan tuyển công chức tổ chức.
Lưu ý: Đối với thí sinh đạt kết quả kiểm định công chức do Bộ nội vụ tổ chức trong thời gian này thì khi thi tuyển công chức không phải tham gia vòng 1.
+ Từ ngày 01/08/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng thí sinh đạt kết quả kiểm định do Bộ nội vụ tổ chức.
Điều kiện để được đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức[2]
+ Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng;
+ Có văn bằng chứng chỉ phù hợp: Tùy thuộc ngành tuyển dụng công chức sẽ có yêu cầu về các văn bằng chứng chỉ khác nhau: bằng cao đẳng/đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học,…
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt: Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia dân tộc và nhân dân; Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; Sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư,…
+ Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ;
+ Các yêu cầu khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển: tùy thuộc vào cơ quan tuyển dụng công chức sẽ có những yêu cầu khác nhau.
Lưu ý: Các trường hợp không được đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào:
+ Không cư trú tại Việt Nam;
+ Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án quyết định của tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Thời gian tổ chức kiểm định[3]
+ Bộ Nội vụ tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hằng năm.
+ Kế hoạch về kỳ kiểm định được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ nội vụ và Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức trước ngày 31 tháng 01 hằng năm.
Hình thức thi, nội dung và thời gian kiểm định[4]
+ Hình thức: Thi trắc nghiệm trên máy tính;
+ Nội dung kiểm định
– Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn;
– Hiểu biết chung, cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị -xã hội, cơ quan nhà nước;
– Kiến thức về Quản lý nhà nước;
– Quyền nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ, kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử;
+ Thời gian số lượng câu hỏi kiểm định
– Vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, 100 câu hỏi;
– Vị trí việc làm yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, 80 câu hỏi.
Đây là phần thi chung được áp dụng cho tất cả các thí sinh có đủ tiêu chuẩn muốn thi tuyển công chức trong tương lai không phân biệt ngành nghề, cơ quan thi tuyển. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm rút ngắn thời gian tuyển dụng của các cơ quan nhà nước và quản lý chất lượng đầu vào của công chức. Bên cạnh đó, tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa các ứng viên khi tham gia tuyển dụng công chức.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Kiểm định chất lượng đầu vào công chức”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Trần Thị Ngân
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 2.1 Nghị định 06/2023/NĐ-CP
[2] Điều 3 Nghị định 06/2023/NĐ-CP
[3] Điều 4. 2 Nghị định 06/2023/NĐ-CP
[4] Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP