Đằng sau một cuộc hôn nhân giả tạo: Rủi ro, tổn thương và hệ quả pháp lý đi kèm

Đằng sau một cuộc hôn nhân giả tạo: Rủi ro, tổn thương và hệ quả pháp lý đi kèm
(Phần 1)
Hôn nhân là sự kiện trọng đại, không chỉ liên quan đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự bền vững của gia đình và xã hội. Pháp luật quy định kết hôn phải vì mục đích xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, dựa trên sự tự nguyện và trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lợi dụng hình thức kết hôn để đạt mục đích khác như định cư, nhập quốc tịch, trốn tránh nghĩa vụ… dẫn đến tình trạng “kết hôn giả tạo”.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi này. [1] Nếu bị phát hiện, cuộc hôn nhân giả tạo có thể bị Tòa án ra quyết định hủy bỏ, kéo theo đó là vô vàn rủi ro pháp lý nghiêm trọng khác. Nhận diện đúng bản chất của kết hôn giả là rất cần thiết để bảo vệ giá trị hôn nhân và ngăn ngừa hệ lụy.
Dưới đây là một số động cơ phổ biến dẫn đến kết hôn giả tạo và những rủi ro pháp lý chính mà người trong cuộc phải đối mặt:
STT | Mục đích | Mô tả | Rủi ro pháp lý |
1 | Định cư, nhập quốc tịch, cư trú | – Kết hôn với người nước ngoài nhằm mục đích xin visa, thẻ xanh, nhập quốc tịch…. Thường thông qua môi giới, thỏa thuận tài chính. | – Tại Việt Nam: Bị Tòa án tuyên hủy kết hôn trái pháp luật; có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.[2] – Tại Mỹ, Anh, Canada… bị từ chối visa vĩnh viễn, hủy tình trạng cư trú, trục xuất, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
2 | Trốn tránh nghĩa vụ pháp lý | – Lợi dụng kết hôn để thay đổi thông tin cá nhân, nơi ở nhằm né tránh thi hành án dân sự hoặc che giấu quá khứ phạm tội. | – Bị Tòa án tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự vẫn được áp dụng. Nếu dùng hôn nhân giả để che giấu tội phạm, cản trở thi hành án, có thể bị xử lý hình sự.[3] |
3 | Hưởng chính sách, ưu đãi nhà nước | – Kết hôn giả với người thuộc diện ưu đãi (người có công, quân nhân…) để hưởng trợ cấp, ưu đãi về nhà ở, đất đai, BHYT.. | – Bị Tòa án tuyên hủy kết hôn trái pháp luật. – Bị thu hồi mọi quyền lợi, ưu đãi đã hưởng trái pháp luật. Có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trục lợi. |
4 | Che giấu giới tính thật | – Người thuộc cộng đồng LGBTQ kết hôn giả để tránh định kiến xã hội hoặc áp lực gia đình. | – Hôn nhân có thể bị Tòa án tuyên hủy. Các tranh chấp về con cái, tài sản (nếu có) sẽ được giải quyết.[4] |
5 | Lợi ích khác (tài sản, việc làm…) | – Kết hôn giả chỉ để đủ điều kiện nhận thừa kế, chia tài sản, chuyển nhượng đất, hợp thức hóa hồ sơ xin việc… | – Bị Tòa án tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật. Các giao dịch, hợp đồng liên quan (thừa kế, chuyển nhượng…) có nguy cơ cao bị vô hiệu, dẫn đến tranh chấp tài sản phức tạp và ảnh hưởng uy tín, danh dự. |
Dù được cấp Giấy chứng nhận kết hôn, hôn nhân giả tạo vẫn bị xem là trái pháp luật về bản chất và sẽ bị hủy khi có yêu cầu và có đủ căn cứ. Đừng nghĩ rằng việc chứng minh mục đích giả tạo là không thể; dù có thể khó khăn, Tòa án vẫn sẽ kiên quyết hủy bỏ khi có đủ bằng chứng thuyết phục. Hậu quả pháp lý là rất nghiêm trọng.
Hơn nữa, hôn nhân giả tạo còn gây ra những tổn thương tinh thần sâu sắc cho những người trong cuộc. Nếu có con chung, trẻ em sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất khi lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn, thiếu vắng tình cảm và sự chăm sóc đúng nghĩa, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển sau này.
Vì vậy, hãy tôn trọng giá trị thiêng liêng của hôn nhân và tuân thủ pháp luật. Đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi bằng những rủi ro pháp lý và bất ổn lâu dài.
Trên đây là nội dung tư vấn về Đằng sau một cuộc hôn nhân giả tạo: Rủi ro, tổn thương và hệ quả pháp lý đi kèm (Phần 1)”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Bạn xem phần 2 tại:
Phần 2 – Đằng sau một cuộc hôn nhân giả tạo: Rủi ro, tổn thương và hệ quả pháp lý đi kèm.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng.
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận.
[1] Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[2] Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
[3] Điều 380, 389 BLHS.
[4] Điều 12 và Điều 16 Luật HNGĐ 2014.