Cách xử lý hiệu quả khi doanh nghiệp bị bôi nhọ trên mạng xã hội

Cách xử lý hiệu quả khi doanh nghiệp bị bôi nhọ trên mạng xã hội
Tình trạng tung tin sai sự thật, lan truyền thông tin tiêu cực nhằm bôi nhọ doanh nghiệp trên mạng xã hội đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và truyền thông số phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần một bài đăng ẩn danh, một video giật gân hoặc vài dòng bình luận xuyên tạc, uy tín doanh nghiệp có thể bị tổn hại nghiêm trọng chỉ trong vài giờ, kéo theo hệ lụy mất khách hàng, rạn nứt đối tác, sụt giảm doanh thu, thậm chí ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các giải pháp xử lý toàn diện khi doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội – từ hành lang pháp lý đến các bước hành động cụ thể, phù hợp với từng tình huống thực tiễn.
Tình huống điển hình: Một doanh nghiệp phát hiện hàng loạt bài đăng ẩn danh trên Facebook và diễn đàn tung tin như: “Công ty sắp phá sản”, “dịch vụ yếu kém”, “nhân sự nghỉ việc hàng loạt”. Các nội dung này lan truyền nhanh chóng, khiến đối tác hoang mang, khách hàng hủy giao dịch và nội bộ nhân sự dao động tinh thần.
Hướng xử lý toàn diện để bảo vệ doanh nghiệp bị bôi nhọ trên mạng xã hội:
STT | Bước xử lý | Nội dung cụ thể |
1 | Lập vi bằng, thu thập chứng cứ | – Chụp ảnh, lưu URL, ngày giờ bài viết, bình luận tiêu cực. – Lập vi bằng điện tử tại Văn phòng Thừa phát lại để làm chứng cứ. – Ghi nhận thiệt hại: hợp đồng bị hủy, sụt giảm doanh thu, nhân sự nghỉ việc… |
2 | Báo cáo nền tảng và yêu cầu gỡ bỏ | – Gửi báo cáo vi phạm đến Facebook, TikTok, YouTube, diễn đàn… – Dẫn chiếu tiêu chuẩn cộng đồng và Luật An ninh mạng để yêu cầu gỡ bài sai sự thật. |
3 | Gửi đơn đến cơ quan chức năng | – Nộp đơn đến Sở Thông tin và Truyền thông, hoặc Cục A05 – Bộ Công an (An ninh mạng). – Kèm hồ sơ chứng cứ, yêu cầu xác minh danh tính người đăng bài và xử lý hành vi vi phạm. |
4 | Gửi thư cảnh báo pháp lý (nếu biết danh tính người đăng) | – Yêu cầu chấm dứt hành vi, gỡ bài, xin lỗi công khai. – Cảnh báo khả năng khởi kiện dân sự hoặc tố giác hình sự nếu không hợp tác và tiếp tục hành vi. |
5 | Khởi kiện dân sự | – Nếu xác định được người vi phạm, khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu: (i) Xin lỗi, cải chính công khai; (ii) Bồi thường thiệt hại về uy tín, danh tiếng và tổn thất doanh thu. |
6 | Chủ động truyền thông minh bạch | – Phát hành thông cáo báo chí chính thức để đính chính. – Truyền thông lại bằng ngôn ngữ chuyên nghiệp, lấy lại niềm tin. – Không đôi co, công kích, tránh phản tác dụng truyền thông. |
Mạng xã hội có thể tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp, nhưng cũng là nơi bắt nguồn những rủi ro pháp lý nghiêm trọng. Nếu không phản ứng kịp thời, doanh nghiệp dễ bị tổn hại danh tiếng và mất đi cơ hội kinh doanh quý giá.
Là đơn vị đồng hành cùng doanh nghiệp trong môi trường pháp lý số, chúng tôi khuyến nghị: đừng xem nhẹ tin sai sự thật, hãy hành động bài bản, có chiến lược và đúng pháp luật. Mỗi hành động phản hồi cần được đặt trong khuôn khổ quy trình quản trị rủi ro và được dẫn dắt bởi những bước đi pháp lý chính xác. Bởi vì bảo vệ thương hiệu không chỉ là xử lý khi khủng hoảng xảy ra, mà là cả một quá trình chủ động xây dựng “lá chắn” vững chắc từ nội lực doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Cách xử lý hiệu quả khi doanh nghiệp bị bôi nhọ trên mạng xã hội”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận